Một vài kinh nghiệm lựa chọn TV (CRT) thông thường
Trước khi đi mua TV bạn nên tham khảo những thông tin tư vấn cũng như giá cả và kỹ thuật từ những người mình quen biết hoặc những nguồn thông tin khác mà bạn có được như qua báo chí, internet… Những thông tin này giờ đã rất được phổ biến và nó luôn cần đối với bạn. Bạn đừng nên chỉ nghĩ đơn giản, cứ đắt tiền (có thể vẫn thiếu những chức năng cần thiết) là ta mua cũng như cứ to (nhưng phòng xem thì lại rất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe) là tốt. Những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định chính xác và có lợi nhất. Những thương hiệu TV CRT nước ngoài nổi tiếng như Sony, Panasonic, Toshiba… cũng nên được chú ý bên cạnh những thương hiệu Việt rất nổi như VTB, Tiến Đạt… hay liên doanh như Samsung, LG, Daewoo…
Trước hết, chúng ta sẽ kiểm tra phần HÌNH (hay còn gọi là đường hình). Nói đến NHÌN đương nhiên là phải “nét” đã. Nét ở đây đúng theo nghĩa đen, đó chính là độ nét hay còn gọi là độ hội tụ của màn hình. Với những cửa hàng bán vô tuyến thì thường vô tuyến trên kệ hàng được bật suốt cả ngày, để tiện cho việc tham quan sản phẩm nhưng nội dung chương trình thường là các chương trình nhà sản xuất vô tuyến cung cấp (cho cửa hàng) nhằm tạo ấn tượng về mắt tốt nhất đối với khách hàng. Rất dễ dàng để kiểm tra độ nét của màn hình, bởi chỉ cần một thao tác đơn giản là kiểm tra tín hiệu nhiễu (chúng ta hay gọi là “muỗi) của màn hình khi không có ăng-ten là ta có thể biết được màn hình có độ nét ra sao. Ngay khi bật màn hình, bạn chú ý đến sự đồng đều về kích thước cũng như mật độ tập trung của các hạt muỗi. Nếu các hạt muỗi đạt được sự cân bằng về kích thước và trải đều toàn màn hình là tốt, điều này chứng tỏ độ hội tụ của màn hình là tốt và khi xem sẽ rất nét… còn những hiện tượng khác đều được coi là bất bình thường nhưng hạt muỗi có kích thước to, nhỏ khác nhau hoặc chỗ to chỗ nhỏ. Thường những màn hình có độ nét kém sẽ xảy ra hiện tượng hạt muỗi sẽ to hơn ở chính giữa và nhỏ dần đi về bốn phía góc màn hình hoặc ngược lại. Khi sử dụng những vô tuyến có lỗi trên bạn sẽ cảm thấy mỏi và nhức mắt khi xem lâu bởi độ hội tụ của chúng không tốt.
Thao tác kiểm tra này chỉ mất vài phút nên bạn đừng ngại ngần mà không yêu cầu người bán hàng được cho kiểm tra.
Tiếp đến sẽ là công đoạn kiểm tra cân bằng trắng(white balance). Thuật ngữ cân bằng trắng có lẽ chưa được phổ biến lắm với người tiêu dùng phổ thông, thuật ngữ này thường được nhắc đến khi nói tới máy ảnh. Tuy nhiên, công đoạn này cũng rất quan trọng nên bạn sẽ không thể bỏ qua dù nó sẽ mất nhiều thời gian hơn so với kiểm tra độ nét.
Bạn yêu cầu được bật một chương trình vô tuyến (lúc này thì cần phải có ăng-ten) hoặc chương trình VCD, DVD bất kỳ cũng được. Bạn dùng nút điều chỉnh trên màn hình hoặc dùng điều khiển từ xa để giảm hết màu trên màn hình, từ chỗ còn màu sắc đến chuyển sang đen trắng. Trong quá trình chuyển dần bạn không cần chú ý nhưng sau khi màu sắc đã chuyển hết về đen trắng (hết cỡ điều khiển) thì bạn chú ý đến hình ảnh lúc này phải đúng với nghĩa ĐEN và TRẮNG, không được chuyển sang (hoặc ảnh hưởng) bất kỳ màu gì khác. Nếu bạn cảm giác màn hình không phải là đen trắng hoặc bạn có thể nhìn được màn hình không phải là đen trắng thì có nghĩa cân trắng của màn hình đã bị sai lệch. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến độ trung thực (về màu sắc) của màn hình. Tất nhiên, lỗi này cũng sẽ khiến bạn không mua chiếc vô tuyến đó.
Độ đồng quycũng là một khái niệm đậm chất kỹ thuật nhưng bạn cũng nên (phải) biết bởi nó cũng ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh của vô tuyến. Bạn cần chú ý đến hình ảnh ở chính giữa và bốn viền màn hình xem có bị tách màu hay không, ở đây là do tác dụng của cuộn lái tia nếu hoạt động tốt thì 3 tia màu cơ bản ĐỎ, XANH LAM, XANH LÁ CÂY sẽ chập vào làm một, còn nếu bị tách màu thì đương nhiên chiếc vô tuyến đó cũng phải bị loại.
Đó là hết phần nhìn, đương nhiên giờ phải đến phần NGHE. Nghe ở đây chính là quá trình kiểm tra chất lượng tiếng(hay còn gọi là “đường tiếng”). Để kiểm tra đường tiếng đương nhiên chúng ta cũng phải cần đến một chương trình vô tuyến hoặc VCD, DVD hoặc CD cũng được bởi chúng ta chỉ cần kiểm tra tiếng mà thôi. Tuy nhiên, thực tế nhất ta nên dùng chương trình vô tuyến và DVD bởi chúng ta sẽ dùng TV cho hai mục đích chính đó. Khi chương trình đã bật, bạn bấm nút hoặc dùng điều khiển từ xa giảm âm lượng về 0, sau đó tăng dần âm lượng từ 0 lên cực đại. Nếu âm thanh vẫn giữ được vẻ trong trẻo và rõ ràng là đã được được 50% chất lượng tiếng. 50% còn lại sẽ rành cho phần rè hay không khi âm lượng lên đến 2/3 mức cực đại. Nếu chưa đến mức này mà tiếng đã bị rè hoặc bị vỡ thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ phải loại chiếc vô tuyến này, bởi đôi khi bạn sẽ muốn nghe nhạc (Rock, Hip-hop…) hay xem phim (hành động) với âm lượng lớn, để tận hưởng hết sự tuyệt diệu của hệ thống.
Dù thật sự là không cần thiết với một chiếc TV dành cho home theater nhưng thiết nghĩ bạn cũng nên lưu ý kiểm tra luôn xem phần cân bằng giữa hai loa tích hợp của TV xem chúng có hoạt động bình thường hay không bằng cách điều chỉnh nút hoặc chức năng “balance” về trái và về phải, trong khi đó chú ý xem âm lượng có chuyển dần theo mức độ điều chỉnh hay không? Nếu có thì tất nhiên là duyệt rồi.
Bên cạnh đó, bạn cũng thử điều chỉnh các chức năng có liên quan đến âm sắc (âm cao, âm trung, âm trầm) hay các loại môi trường (xem phim, nghe nhạc…) nếu có, xem chúng có hoạt động ổn định hay không?
Một vài chức năng cao cấp cũng cần được kiểm tra. Tất nhiên, chúng nên có ở những chiếc TV 25” hay 29” trở lên, bởi chính chúng sẽ tạo nên chất lượng cũng như thể hiện hết khả năng của chiếc TV mà bạn đang sở hữu.
Các ngõ vào ra cao cấp:
Ở đây chúng tôi muốn nhắc đến hai loại ngõ vào ra cao cấp đối với TV thông thường là S-Video và Video Component (gọi nôm na là (đường ba màu” vì có ba dây, ba màu đỏ, xanh lam, xanh lá cây. Đây là đường hình cho chất lượng tốt nhất). Đặc biệt tiện ích khi sử dụng chúng với đầu DVD (cũng được hỗ trợ hai đường hình này). Bởi hai ngõ hình này có chất lượng cao hơn rất nhiều so với đường analog (composite) thông thường. Với những chiếc TV 21” đôi khi chỉ có một đường hình cao cấp là S-Video hoặc duy nhất Component.
Tần số quét 100Hz
Tần số quét được hiểu là số lần hình ảnh trên màn hình được quét (làm tươi) trong một giây. Thường với các loại TV 21” tần số quét sẽ là 50Hz. Điều này có nghĩa là các hình ảnh sẽ được quét 50 lần trong một giây, với các TV loại kém có thể bạn sẽ thấy hình ảnh bị rung hoặc nhòe mờ (dù chỉ rất ít), mắt bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu gặp hình ảnh như vậy. Với những loại 25” trở lên hầu hết đều có khả năng quét hình ảnh 100 lần trong một giây. Với khả năng gấp đôi, hiện tượng rung, nhòe, mờ hay chớp hình sẽ không còn diễn ra nữa. Đương nhiên, mắt bạn sẽ cảm thấy dễ chịu vô cùng.
Progressive ScanĐây là kỹ thuật quét dòng mới nhất có ở TV thông thường (loại cao cấp). Với khả năng quét dòng liên tiếp, chứ không sử dụng công nghệ quét dòng cũ là quét hết dòng lẻ rồi mới quét đến các dòng chẵn, đương nhiên chất lượng hình đã đạt đến mức hoàn hảo. Hình ảnh sẽ vô cùng mịn màng, sự rung chớp sẽ hoàn toàn bị loại bỏ. Bạn chắc chắn sẽ không còn phải suy nghĩ về chiếc vô tuyến nữa.
CHÚ Ý căn bản về lắp đặt TV
Sau khi đã sở hữu được chiếc TV mong muốn, việc lắp đặt cũng nên rất được chú ý, bởi như thế bạn mới khai thác được hết khả năng của chiếc TV cũng như đảm bảo sức khỏe cho chính mình cũng như các thành viên trong ra đình.
1. Vị trí đặt TV
Một điều cơ bản và chẳng có gì bí mật là bạn nên đặt TV ở vị trí trung tâm của bức tường (nơi bạn dự định sẽ đặt TV)
2. Khoảng cách đặt TV
Với các loại TV thông thường chúng thường có đèn hình dài ra phía sau (SlimFit của Samsung ngắn đi được đáng kể nhưng cũng không tác dụng mấy với khoảng cách này) và quan trọng, chúng tỏa ra rất nhiều nhiệt. 20cm là khoảng cách tối thiểu để TV cách xa mặt phẳng phía sau. Như thế sức nóng tỏa ra khi vận hành của TV sẽ được phân tán nhanh, không làm ảnh hưởng đến chất lượng (linh kiện) của TV.
Đó là khoảng cách phía sau, giờ ta sẽ nói đến khoảng cách ở phía trước. Theo các nhà chuyên môn, cũng như khuyến cáo của các hãng sản xuất TV thì khoảng cách tối ưu nhất khi xem TV, tối thiểu sẽ bằng 6 lần (trở lên) đường chéo màn hình. Ở đây, đường chéo màn hình chính là số inches. Theo kích thước chuẩn thì 1 inch = 2.54cm . Từ thước đo này ta dễ dàng tính ra khoảng cách tối thiểu (cũng có thể coi là tối ưu) cho một màn hình 25” sẽ là: 25 x 6 x 2.54 = 381cm. Kết quả này có nghĩa là bạn nên ngồi cách TV khoảng 4m để đảm bảo sức khỏe (ở đây là thị lực) của mình.
Khoảng cách này chỉ có tác dụng với màn hình CRT thông thường và chúng không áp dụng với các loại màn hình LCD hay PLASMA.
Một chú ý nho nhỏ liên quan đến sức nóng của TV là không nên phủ khăn (hay các loại vải chống bụi) trong khi TV đang hoạt động. Và sau khi tắt TV không nên phủ khăn chống bụi lên ngay lập tức, như thế sức nóng tỏa ra khi TV hoạt động sẽ không được giải tỏa ra bên ngoài, sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ TV về lâu dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét